Nhận định này được Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương nêu tại tọa đàm "Kinh tế Việt Nam trước những cơn gió ngược",ệtNamđãứngphóthànhcôngvớinhữngcơngióngượsm66 chiều 5/10.
Theo ông Phương, nhờ chính sách điều hành linh hoạt, kinh tế Việt Nam "tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước". Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%, riêng quý III tăng 5,33% so với cùng kỳ 2022. Kết quả này không phải quá cao nhưng là chỉ dấu tích cực trong thời điểm này. Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước. Dư địa còn lại so với mục tiêu Quốc hội giao năm nay 4,5%, ông Phương đánh giá "hoàn toàn đạt được" và đây là điểm thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng cả năm.
"Việt Nam đã ứng phó và vượt qua khó khăn, thách thức được coi là những trở lực, 'cơn gió ngược' trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát trên toàn cầu", Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nhận xét.
Điểm sáng nữa được ông Phương đề cập là giải ngân đầu tư công, khi 9 tháng đạt 51% - mức tăng cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm. "Hiếm có năm nào sau 9 tháng kết quả giải ngân đạt trên 50%, vì thường dồn vào những tháng cuối năm", Thứ trưởng nói.
Ông cũng cho rằng chính sách tiền tệ được Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, giúp hạ mặt bằng lãi suất đã hỗ trợ tốt cho tăng trưởng.
Tại phiên họp Chính phủ hôm 30/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chọn kịch bản tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6% để có chính sách điều hành linh hoạt, phù hợp.
Cho rằng "lạc quan thì có thể đạt được GDP 6% năm nay", song Thứ trưởng Phương nói kịch bản này rất thách thức. Theo tính toán để đạt mức tăng trưởng này, kinh tế quý IV phải tăng 10,6%, đòi hỏi đột phá cả phía cung và cầu. Ở phía cung, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo cần sự đột phá, tăng vượt bậc ở quý cuối năm. Còn phía cầu, giải ngân đầu tư công có khả năng tăng tốt hơn trong 3 tháng cuối năm, nhưng cần giải pháp kích cầu để phục hồi tốt hơn thị trường tiêu dùng trong nước.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng nhận định Chính phủ điều chỉnh mục tiêu GDP về 6% là hoàn toàn khả thi.
ADB đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ, cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô. Các chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm các biện pháp tài chính và tiền tệ, cho đến nay đã đi đúng hướng và kịp thời.
Kinh tế có cải thiện, nhưng các chuyên gia cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp không ít khó khăn.
Giám đốc quốc gia ADB nhìn nhận, Việt Nam có nhiều điểm có thể cải thiện hơn nữa. Chẳng hạn, thực thi chính sách tài khóa đã được đẩy nhanh những tháng gần đây, nhưng vẫn có thể được đẩy mạnh hơn nữa để tăng cầu trong nước. Việt Nam cũng cần lưu ý phát triển hệ sinh thái trong các lĩnh vực công nghệ mới (chip bán dẫn, công nghệ số...) và đảm bảo tiếp cận tín dụng "dễ thở" hơn cho khu vực doanh nghiệp tư nhân.
"Cơ hội và dư địa tăng trưởng cho Việt Nam vẫn còn, song cần các cơ quan quản lý phản ứng chính sách nhanh hơn, tạo ra hệ sinh thái và điều kiện cho khu vực tư nhân vươn lên", ông Shantanu Chakraborty khuyến nghị.
Đại diện ADB lưu ý thêm, tiêu dùng trong nước cần thúc đẩy hơn, tức cần tạo điều kiện để người dân có thêm tiền, kích thích tiêu dùng nội địa. Ông Shantanu đánh giá không gian chính sách tài khóa còn rộng, nên cần thúc đẩy nhanh hơn nữa giải ngân đầu tư công - động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) góp ý, Việt Nam cần cải cách thể chế mạnh mẽ hơn để củng cố niềm tin, hỗ trợ doanh nghiệp. "Cải cách thể chế lần này phải khác trước, thay vì đỡ phiền hà cho doanh nghiệp phải hướng tới yểm trợ, trợ lực cho họ", Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nói.
Bối cảnh thị trường xuất khẩu thu hẹp do tổng cầu giảm, ông Khương lưu ý các doanh nghiệp ngoài nâng cấp sản phẩm, cần đưa ra chiến lược đột phá, chuyển đổi. mạnh mẽ hơn theo hướng chuyển đổi xanh, sản xuất xanh. Dẫn ví dụ Bangladesh đã đi rất nhanh trong chuyển đổi sản xuất xanh ngành dệt may, TS Khương cho rằng doanh nghiệp ngành này trong nước nếu không chuyển đổi, nâng cấp sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ thời gian tới.