Bức thư từ văn phòng của ông gửi đến những người đứng đầu chính quyền miền Nam lúc đó có đề nghị một cuộc hẹn để "xin lĩnh giáo chỉ thị của Chính-phủ đặng lo làm cho mau xong công việc mà Chính-phủ có lòng hạ cố giao cho".
Bản khế ước "trải thảm đỏ"
Bản khế ước đưa Ngô Viết Thụ trở về miền Nam có 13 điều mục xác định những chế độ đãi ngộ mà Phủ Tổng thống VNCH dành cho một tài năng trẻ. Có thể tóm lại một số điểm sau: Ban đầu,ộchồihươngcủamộtKhôinguyênLaMãĐấtdụngvõtrênquêhươae888 Ngô Viết Thụ sẽ làm việc tạm thời cho Nha Kiến thiết và Thiết kế đô thị; chính phủ có thể cử ông đi công cán trên toàn lãnh thổ VN với chi phí được đài thọ; được hưởng lương hằng tháng 30.000 đồng và được chi trả phí tổn đi lại từ Rome về Sài Gòn - khứ hồi theo hạng công chức nhóm 1. Ngoài ra, Ngô Viết Thụ còn được chọn một phụ tá chuyên môn cho mình với mức lương 15.000 đồng/tháng. Sau khi nhận việc, ông Thụ có thể di chuyển về công vụ, được hưởng quyền chuyên chở, phụ cấp lộ trình và cư trú như công chức chính ngạch. Ông được cấp nhà ở có đồ dùng cần thiết, kèm số tiền 200 đồng mỗi tháng cho các khoản điện, nước cùng 2 gia nhân, mỗi người 1.200 đồng.
Bản khế ước này mỗi năm được tái ký một lần. Đến năm 1963 tức là năm xảy ra đảo chánh, các điều khoản trong bản khế ước vẫn ổn định và được tái ký.
Người phụ tá ban đầu cho Ngô Viết Thụ là một kiến trúc sư (KTS) người Pháp có tên Bonin. Bonin cộng tác với Ngô Viết Thụ từ trong thời gian làm việc, di chuyển giữa Paris và Rome. Về VN, KTS Bonin làm trợ lý cho Ngô Viết Thụ trong khoảng 2 năm thì về Pháp. Thay thế vị trí này là KTS Nguyễn Mỹ Lộc (tác giả bản thiết kế nhà thờ Chúa Cứu thế, Huế).
Một văn phòng tư vấn kiến trúc và chỉnh trang lãnh thổ (trực thuộc Phủ Tổng thống) được thiết lập, do Ngô Viết Thụ quản lý được đặt trong biệt thự 12 Phùng Khắc Khoan. Tháng 12.1963, văn phòng này chuyển đến 104 Nguyễn Du, chung biệt thự với điêu khắc sư Nguyễn Văn Thế.
Truyền thống và tân kỳ
Đầu thập niên 1960, một núi công việc đổ xuống Văn phòng Tư vấn kiến trúc và Chỉnh trang lãnh thổ. Nhưng với sức sáng tạo phi thường, Ngô Viết Thụ liên tục tạo dấu ấn trong thiết kế kiến trúc lẫn quy hoạch. Ông nổi trội như một ngôi sao tài năng, trẻ trung, bặt thiệp... xuất hiện ở vị trí trung tâm của các dự án kiến trúc và chỉnh trang quan trọng của miền Nam.
Về bối cảnh kiến trúc, khoảng thập niên 1950, trào lưu hiện đại nở rộ ở miền Nam. Một thế hệ KTS được đào tạo bài bản, có tư duy sáng tạo, có tinh thần tự cường và nguồn cảm hứng mới của thời đại để phát huy, tạo nên thành tựu riêng của kiến trúc miền Nam VN.
Là người được đào tạo từ phương Tây nhưng am hiểu và đặt trọng tâm vào văn hóa truyền thống VN nói riêng, phương Đông nói chung, Ngô Viết Thụ đã nhanh chóng ghi dấu ấn qua các công trình kết hợp hơi thở modernism (tân kỳ) với truyền thống. Dẫn chứng rõ ràng nhất là 2 công trình: Dinh Độc Lập và Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt (nay là Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt).
Khi thiết kế Dinh Độc Lập sau khi công trình cũ bị trúng bom năm 1962, Ngô Viết Thụ triển khai từ ý tưởng chính là chữ Nhất (一) trong văn hóa phương Đông, với một khát vọng về tính nhất thể, sự thống nhất. Mặt đứng công trình với các cửa lam dọc trang trí, lấy sáng và lưu thông không khí cách điệu từ hình ảnh các đốt trúc. Công trình đặt trong cảnh quan một "khu vườn" trung tâm hài hòa giữa hình thái kiến trúc hiện đại với những "lớp mã" bản sắc truyền thống.
Với một phương pháp tư duy như vậy, ông thiết kế công trình Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt (khởi công tháng 4.1961, khánh thành tháng 10.1963) với ý tưởng là một "bát quái đồ". Công trình thể hiện rõ ý thức về hình thái kiến trúc của một nhà quy hoạch (quan tâm tới sự hài hòa bối cảnh).
KTS Ngô Viết Thụ diễn giải ý đồ thiết kế công trình này trong một cuộc họp báo vào năm 1960 do Nguyên tử lực cuộc tổ chức, rằng: "Đã có sáng kiến sửa đổi hình thức bên ngoài các tòa nhà để trước hết thích hợp với phong cảnh đồi núi xung quanh và sau là để phù hợp với nền văn minh cổ truyền của chúng ta. Vì vậy, tòa nhà vuông chứa lòng nguyên tử đã trở thành hình ống, tọa lạc giữa một cái cung tròn gồm có những phòng vật lý và hóa học. Khoảng trống giữa khung tròn và tòa nhà hình ống chứa lò nguyên tử đã được biến thành một biểu tượng cho bát quái đồ, hình tròn trong đó có sự kết hợp giữa lối kiến trúc tối tân của thời đại nguyên tử và lối kiến trúc cổ truyền".
Là người cầu toàn và duy mỹ, ông Thụ từng đề nghị tăng 10% chi phí để "thẩm mỹ hóa" công trình này so với mô hình nặng tính công năng ban đầu mà phía Mỹ đề xuất vì theo ông, "đây là một công trình góp phần với thế giới chứ không riêng gì cho VN". Ông nhìn thấy ở công trình này tính biểu tượng quốc tế: "Một khi nước nhà hoàn tất được lò nguyên tử là gây một cơ hội rất đẹp đẽ và đầy hứa hẹn cho các cơ quan và các kỹ thuật gia gặp gỡ nhau, hầu phát triển kỹ thuật về mọi ngành" (ghi nhận theo biên bản phiên họp Liên Nha ngày 3.11.1960 tại Sài Gòn, do GS Bửu Hội chủ trì).
Cũng tại dự án một trung tâm nghiên cứu khoa học do Mỹ tài trợ với nguồn chi phí đầu tư cực kỳ lớn (22.164.000 đồng cho xây dựng và thiết trí lò nguyên tử; 729.837 USD cho dụng cụ, lò luyện), KTS Ngô Viết Thụ được làm việc chung với GS Bửu Hội, người trước đây đã tìm cách đưa ông hồi hương.(còn tiếp)